Tết Nguyên Đán và những bài học cha mẹ nên dạy cho bé
Tết đến, xuân về cha mẹ đừng bỏ lỡ thời gian quý giá này để dạy con những bài học hay về cuộc sống, về những phong tục đẹp của dân tộc trong ngày Tết cổ truyền nhé.
Tết cổ truyền hay Tết Nguyên Đán là một ngày lễ lớn quan trọng nhất năm của các gia đình người Việt. Đây không chỉ là dịp để cả nhà quây quần sum họp mà còn chứa đựng nhiều tập tục mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Bên cạnh tục lì xì ngày Tết mà mọi trẻ em đều yêu thích, Tết còn mang đến nhiều bài học bổ ích về cuộc sống, tình yêu thương và nhiều phong tục vô cùng ý nghĩa khác.
Mỗi dịp Tết đến, xuân về khi người lớn say sưa hoài niệm “Tết ngày xưa” của mình, thì dường như con trẻ chẳng mấy quan tâm tới những giá trị truyền thống ấy. Với hầu hết trẻ em hôm nay, Tết chỉ đơn giản là thời điểm các em được nghỉ học, mặc quần áo đẹp và nhận phong bao lì xì.
Vì thế, cha mẹ đừng bỏ lỡ thời gian quý giá này để dạy con những bài học hay về cuộc sống, về những phong tục đẹp của dân tộc trong ngày Tết cổ truyền nhé.
Dọn dẹp nhà cửa trước Tết
Tết đến đồng nghĩa với một năm cũ đã qua với nhiều lo toan, bộn bề. Vì vậy, công việc dọn dẹp nhà cửa trước Tết không chỉ đơn thuần là việc vệ sinh cho nhà cửa thật gọn gàng, khang trang hơn mà còn ẩn chứa ý nghĩa xóa bỏ những muộn phiền của năm cũ và chào đón một năm mới an khang thịnh vượng.
Cha mẹ hãy rủ bé cùng dọn dẹp nhà cửa trước Tết để con cảm nhận được không khí chào đón năm mới và giải thích cho bé hiểu vì sao người ta thường làm công việc này. Cha mẹ có thể phân công những công việc vừa sức của bé như dọn dẹp các đồ chơi của bé, lau chùi bàn ghế hay gấp quần áo...
Cha mẹ cũng có thể vừa làm vừa dạy bé nguyên nhân tại sao các gia đình thường dọn nhà để đón Tết, ví dụ như để nhà cửa gọn gàng đón năm mới, vì dịp này sẽ có nhiều người đến nhà chơi. Dọn dẹp nhà cửa trước ngày Tết còn mang thông điệp là sắp xếp lại những “bừa bộn” của năm cũ để chào đón năm mới “An khang, Thịnh vượng”. Đây là một trong những bài học dạy con hay nhất về ngày Tết mà cha mẹ không nên bỏ qua.
Chuẩn bị mâm cơm tất niên, tân niên
Thêm một bài học dạy con hay nhất cha mẹ có thể chia sẻ đến con yêu vào ngày Tết là bữa cơm tất niên, tân niên. Vào ngày 30 Tết, các gia đình thường cùng nhau chuẩn bị bữa cơm tất niên để mời ông bà tổ tiên, những người đã khuất về sum họp cùng con cháu còn mâm cơm tân niên thường được chuẩn bị vào ngày mùng 1.
Nghi lễ văn hóa này mang ý nghĩa sum họp, là lúc cả nhà cùng nhau quây quần chia sẻ những vui buồn, khó khăn của năm cũ và gửi những lời chúc tốt đẹp, cầu mong một năm mới an lành, may mắn.
Tri ân ông bà, tổ tiên, cha mẹ
Những ngày Tết Nguyên Đán, cha mẹ cũng đừng quên giúp bé bày tỏ lòng tri ân với ông bà, tổ tiên và cha mẹ. Hãy tâm sự với con về sự vất vả của ông bà đã nuôi dưỡng, dạy dỗ cha mẹ để trẻ có thể cảm nhận được một cách tự nhiên nhất.
Để có thể truyền tải được bài học dạy con ngày Tết đến bé dễ dàng, cha mẹ hãy là tấm gương sáng để trẻ noi theo. Cha mẹ hãy thể hiện tình cảm, sự biết ơn đối với người thân trong gia đình bằng những hành động cụ thể.
Dạy bé chúc Tết
Vào dịp năm mới, cha mẹ hãy dạy con chúc Tết những câu chúc đơn giản mà ý nghĩa để bé chúc Tết ông bà, họ hàng và những người thân yêu. Bài học dạy con ngày Tết này sẽ giúp bé chủ động thể hiện tình cảm yêu thương của mình với mọi người và giúp không khí Tết gia đình thêm đầm ấm, vui vẻ.
Hiểu ý nghĩa của những món ăn truyền thống
Nhắc đến Tết không thể không nhắc đến những món ăn truyền thống làm nên vị Tết như bánh chưng, bánh tét, mâm ngũ quả, thịt gà luộc, bánh mứt... Những món ăn ngày Tết này thường xuất hiện trong mâm cỗ thịnh soạn của gia đình. Mỗi món ăn đều chứa đựng ý nghĩa tốt lành, may mắn cho dịp năm mới.
Mâm ngũ quả
Ở mỗi vùng miền, mâm ngũ quả sẽ bao gồm 5 loại quả khác nhau. Mỗi loại quả lại chứa đựng một ý nghĩa riêng thể hiện ước muốn của gia đình dịp Tết. Mâm ngũ quả thường đặt trên bàn thờ ngày Tết hoặc dùng để trên bàn tiếp khách.
Bánh chưng, bánh tét
Bánh chưng, bánh tét là món ăn không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền. Ở miền Bắc, người ta thường gói bánh chưng, còn miền Nam là bánh tét. Hai loại bánh này đều có nét tương đồng, chỉ khác nhau về hình dáng.
Khi gói bánh chưng, bánh tét, cha mẹ có thể để bé cùng phụ giúp những công việc đơn giản. Đồng thời gửi gắm bài học dạy con ngày Tết qua câu chuyện kể quen thuộc về sự tích "Bánh chưng, bánh dày". Qua đó, các bé sẽ trân quý hơn những giá trị lao động và thấu hiểu được sự vất vả của những người nông dân để làm ra hạt gạo.
Gà luộc ngày Tết
Gà luộc là món ăn quen thuộc trong các mâm cỗ cúng. Món ăn này mang ý nghĩa tượng trưng cho sự ấm no, cầu gì được nấy.
Cha mẹ hãy cùng bé chuẩn bị mâm cỗ Tết đầy đủ với các món ăn và giúp bé hiểu về nguồn gốc và ý nghĩa của chúng. Đây cũng là một trong những bài học dạy con ngày Tết rất thú vị để cha mẹ gửi đến các thiên thần nhỏ trong dịp năm mới.
Ngoài những bài học dạy con ngày Tết trên đây, cha mẹ còn có thể giúp bé tìm hiểu các phong tục văn hóa truyền thống khác như hái lộc đầu năm, tham gia các trò chơi dân gian ngày Tết... Không chỉ mang đến những trải nghiệm thú vị, những hoạt động đầu năm này còn giúp bé hiểu biết sâu sắc về ngày Tết cổ truyền và tình cảm gia đình ngày càng khăng khít hơn.
Hiện nay, trước kỳ nghỉ Tết, nhiều trường học tổ chức hoạt động ý nghĩa để trẻ được trải nghiệm Tết. Trẻ được tham gia hội chợ Tết, học gói bánh chưng, chơi các trò chơi dân gian. Tuy nhiên với tình hình các con vẫn phải học online như hiện tại thì ngay tại gia đình, cha mẹ cũng có thể cho trẻ được trải nghiệm Tết thông qua các hoạt động hằng ngày được gợi ý ở trên.
Tóm lại, có rất nhiều cách để cùng con trải nghiệm ngày Tết cổ truyền, nhưng cách tốt nhất chính là để bé cùng bé “hành động” và hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa ngày lễ cổ truyền này. Ngoài ra, Tết này bé ở nhà có thể cùng xem hoạt hình giải trí trên ứng dụng ICANKid để học thêm nhiều điều bổ ích cho các ngày lễ trong năm nhé!